Khái niệm
Mô hình lớp học đảo ngược là một phương thức dạy học theo mô hình kết hợp. Mô hình này đã khai thác triệt để những ưu điểm của công nghệ thông tin và góp phần giải quyết được những hạn chế của mô hình dạy học truyền thống bằng cách “đảo ngược” quá trình dạy học so với mô hình dạy học truyền thống. Sự “đảo ngược” ở đây được hiểu là sự thay đổi với các dụng ý và chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu dạy học và các hoạt động dạy học khác với cách truyền thống trước đây của người dạy và người học
Trong mô hình lớp học đảo ngược, các hoạt động “Học ở lớp, làm bài tập ở nhà” (trong mô hình lớp học truyền thống) được chuyển thành các hoạt động tự học ở nhà qua video bài giảng, học trực tuyến, nghiên cứu bài học qua Internet và khi đến lớp người học sẽ làm bài tập, trao đổi, chia sẻ các nội dung của bài học, giải quyết các vấn đề, tình huống do GV đặt ra. Người học sẽ phải làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như các clip, bản trình chiếu cũng như tìm kiếm, khai thác các tài liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu bài học

Bài giảng của GV được gửi trước cho HS và trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động định hướng GV, nghe các người học báo cáo, trao đổi, chia sẻ phần chuẩn bị của mình trước khi GV củng cố và chính thức chốt lại các nội dung của bài học. Điều này rất phù hợp với yêu cầu tổ chức dạy học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở đại học. Khi so sánh giữa hai mô hình, có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản trong việc tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học giữa mô hình lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống. Theo Bishop & Verleger [6], sự thay đổi này có thể tóm tắt dưới dạng bảng sau:

Mô hình lớp học đảo ngược với sự hình thành và phát triển năng lực của người học
Mô hình lớp học đảo ngược được xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết về học tập tích cực (active learning). Đây là cách tiếp cận trong dạy học theo hướng để người học chủ động khám phá, tiếp cận kiến thức thông qua quá trình tương tác. Phương thức dạy học này tạo ra môi trường khuyến khích tính tự chủ trong học tập cho người học vì họ có thể tìm hiểu trước các kiến thức cần thiết chuẩn bị cho các bài học cũng như có thể tìm tòi trước các vấn đề liên quan thay vì chờ đợi sự truyền đạt kiến thức của GV trên lớp. Theo Marks , thực hiện mô hình lớp học đảo ngược sẽ góp phần rèn luyện và phát triển nhận thức cho HS. Nếu dựa trên thang cấp độ tư duy của Bloom (đã được cải tiến), đi từ thấp đến cao là: ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo thì có thể thấy trong lớp học truyền thống do thời gian trên lớp bị giới hạn nên GV chỉ có thể hướng dẫn người học các nội dung ở 3 mức độ đầu của nhận thức là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Để đạt đến các mức độ cao hơn, người học phải nỗ lực tự học tập và nghiên cứu ở nhà và đó là một trở ngại lớn với đa số các em. Với mô hình lớp học đảo ngược thì 3 mức độ đầu được người học thực hiện ở nhà nhờ những clip, tài liệu, bài giảng được đưa trước để đọc dưới sự hướng dẫn của GV. Thời gian ở lớp, dành tối đa cho GV và HS cùng làm việc để giúp cho người học đạt được tư duy bậc cao (ba bậc sau của thang đo nhận thức), đây là một yêu cầu khó khăn nhưng họ có thể đạt được khi có GV và bạn bè cùng chia sẻ, hỗ trợ. Hình sau minh họa lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống gắn với thang cấp độ tư duy của Bloom.

Lớp học đảo ngược, lớp học truyền thống và thang đo cấp độ tư duy của Bloom
Tổ chức hoạt động dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược
Theo Lage [9] thì “Đảo ngược/đảo trình lớp học là chuyển đổi những hoạt động trong lớp ra ngoài lớp và ngược lại”. Lớp học đảo ngược làm thay đổi vai trò của người dạy và người học. Bản chất của mô hình lớp học đảo ngược là hướng đến mục tiêu hoạt động hóa việc học của người học, chú trọng sự tương tác giữa người học và môi trường học tập nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức từ kiến thức vốn có của HS đến kiến thức cần chiếm lĩnh. GV phải tạo được môi trường để thúc đẩy sự sáng tạo trong tiếp thu kiến thức của người học cũng như tạo cơ hội để rèn luyện, phát triển tư duy cho người học. Trong mô hình lớp học đảo ngược, GV cần xác định rõ việc dạy học phải lấy hoạt động học của SV làm trung tâm [10]. Trên cơ sở nghiên cứu vai trò của giáo viên, nhiệm vụ của người học trong mô hình lớp học truyền thống và mô hình lớp học đảo ngược, chúng ta có bảng so sánh sau:

Ưu điểm của mô hình lớp học đảo ngược
Với người học:
– Mô hình dạy học này phù hợp với sự phát triển tư duy của người học.
– Giúp người học chủ động trong học tập.
– Sử dụng hiệu quả thời gian học tập tại nhà và trên lớp học.
– Giúp nâng cao năng lực phát hiện – giải quyết vấn đề và rèn luyện các kỹ năng cho người học (kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, thuyết trình, đọc, nghiên cứu tài liệu,…) Với giáo viên:
– Khai thác được thế mạnh của mô hình để tổ chức hoạt động dạy học hiệu quả.
– Tăng thời gian giao tiếp, làm việc với người học (không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học). – Hệ thống bài giảng, học liệu dùng cho giảng dạy được sử dụng, khai thác khoa học, hiệu quả hơn, có thể sử dụng học liệu dùng chung, học liệu mở cho các môn học.
Phần mềm Microsoft Teams xây dựng mô hình lớp học đảo ngược
Microsoft Teams là giải pháp hàng đầu cho giao tiếp và cộng tác thông minh từ Microsoft. Đây là nền tảng ứng dụng tổng hợp, bao gồm các cuộc hội thoại, nội dung, bài tập và tài liệu ở một nơi, cho phép giáo viên tạo ra môi trường học tập sôi động trực tuyến, chia sẻ và phản hồi trực tiếp với học sinh. Teams xây dựng các lớp học hợp tác, kết nối trong các cộng đồng học tập chuyên nghiệp, nơi mà học sinh và giáo viên có thể liên hệ với nhau trên nền tảng internet, một hỗ trợ đắc lực quan trọng cho lớp học đảo ngược.
Áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” trong tổ chức dạy học trực tuyến bằng phần mềm MS TEAMS:

Kết luận
Trong lớp học đảo ngược, giảng viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, đưa ra các tình huống có vấn đề để hướng dẫn người học giải quyết từ đó, tiết kiệm thời gian và tạo cơ hội phát triển tư duy cho người học. Việc tổ chức dạy học áp dụng theo mô hình Lớp học đảo ngược trong dạy học trực tuyến với sự hỗ trợ của phần mềm quản lý chuyên nghiệp sẽ giúp cho hiệu quả của hoạt động này tốt hơn, người học hứng thú và chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức, rèn cho mình được nhiều kỹ năng; giảng viên dành được nhiều thời gian trên lớp học (khi giảng dạy theo thời gian thực) để trao đổi, kiểm tra, nắm bắt tình hình học tập của SV cũng như có điều kiện để khai thác, mở rộng vấn đề cần nghiên cứu đồng thời là cơ hội rất tốt để giảng viên giúp cho người học bồi dưỡng năng lực tự học của mình với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin